Tóm tắt Thiên_long_bát_bộ

Kim Dung đã chỉnh sửa truyện này 3 lần, lần gần nhất là vào năm 2009[cần dẫn nguồn]. Có tổng cộng 50 hồi.

Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa nhiều nhân vật đến từ nhiều nước khác nhau: Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc. Với tác phẩm này, Kim Dung muốn nói đến mối quan hệ nhân - quả giữa chính bản thân các nhân vật với gia đình, xã hội, dân tộc, đất nước. Câu truyện xảy ra vào thời Bắc Tống và còn bao gồm các cuộc chiến tranh giữa nhà Tống, Đại Lý, Đại Liêu, Thổ PhồnTây Hạ.

Phần sau đây có thể cho bạn biết trước nội dung của tác phẩm.

Tiêu Phong

Tiêu Phong (Kiều Phong) là người trong Cái Bang. Với võ công cao cường và nhiều công trạng, dần dần uy tín của chàng lên cao. Khi bang chủ Cái Bang qua đời, chàng được phong làm bang chủ Cái Bang, sở hữu Hàng long thập bát chưởngĐả cẩu bổng pháp. Lúc này trong giang hồ có câu nói Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung để nói rằng uy tín của Tiêu Phong đã nổi khắp miền Trung Nguyên.

Trong một lần khi các trưởng lão muốn phế chức bang chủ của chàng, Tiêu Phong đã biết được nguồn gốc thật của mình. Ba mươi năm về trước, cha của chàng Tiêu Viễn Sơn bị mai phục bởi các cao thủ võ lâm nước Tống tại Nhạn Môn Quan, vợ bị giết hại, ông phải nhảy xuống vực tự vẫn và bỏ lại đứa con nhỏ là Tiêu Phong.

Khám phá rằng việc mai phục là sai, các cao thủ hối hận và gửi Tiêu Phong cho một gia đình họ Kiều nuôi dưỡng và dặn không được nói cho Tiêu Phong biết, vì thế chàng có tên là Kiều Phong. Vào năm 7 tuổi, trong một lần đi kiếm củi chàng bị chó sói tấn công, may có một vị hòa thượng Thiếu lâm pháp danh Huyền Khổ cứu giúp và đón về Thiên Âm Tự. Tiêu Phong lớn lên được đón về Cái Bang.

Sự thật đã khiến Kiều Phong (nay là Tiêu Phong) tức giận và từ bỏ chức Bang chủ Cái Bang. Sau đó, nhiều vụ mưu sát bí hiểm xảy ra (trong số người bị hại có cha mẹ nuôi và sư phụ dạy võ cho Tiêu Phong ở chùa Thiếu Lâm) và giới giang hồ đều cho rằng đó chính là do Tiêu Phong.

Để tự minh oan cho mình, Tiêu Phong quyết đi tìm kẻ chủ mưu cùng với sự giúp đỡ của A Châu, người mà chàng tình cờ gặp trên đường giang hồ và trở thành người yêu của chàng. A Châu có tài cải trang rất khéo, và đã giúp Tiêu Phong trong nhiều dịp.

Tuy nhiên, khi giả trang thành một trưởng lão Cái Bang để đi gặp Khang Mẫn, nàng đã không thành công và bị Khang Mẫn lừa rằng kẻ chủ mưu các vụ mưu sát bí hiểm không ai khác hơn là Đoàn Chính Thuần. Điều này đã làm Tiêu Phong đi tìm và quyết đấu tay đôi với Đoàn Chính Thuần.

Số phận trớ trêu, khi A Châu gặp Đoàn Chính Thuần thì nàng mới biết đó là cha ruột của mình. Để cứu cha, A Châu giả vờ ngủ say để Tiêu Phong đi trước, rồi sau đó cải trang thành Đoàn Chính Thuần và lẻn ra bãi đấu để chết dưới chưởng của Tiêu Phong. Chàng hết sức hối hận, và nhận lời chăm sóc A Tử (em gái A Châu) theo lời trăng trối của người chị. Sau đó, vì cứu mạng được Hoàng đế nước Liêu Gia Luật Hồng Cơ, Tiêu Phong sang nước Liêu làm quan đại thần, A Tử được phong làm quận chúa.

Lúc này, nhân vật Du Thản Chi xuất hiện, cha mẹ hắn trước đây bị Tiêu Phong giết nên bây giờ hắn tìm Tiêu Phong để trả thù. Dù không đánh lại, hắn tình cờ nhặt được bí kíp võ công do Tiêu Phong làm rơi, chính là một trong 2 bộ võ công được đánh giá là đệ nhất thiên hạ, Dịch Cân Kinh (Lục Mạch Thần Kiếm là tu luyện võ công, còn Dịch Cân Kinh là tu luyện nội lực). Quyển bí kíp này vốn là do A Châu ăn trộm trong chùa Thiếu Lâm. Vì bị thương, Du Thản Chi bị A Tử bắt lại, chữa lành rồi trở thành kẻ mua vui cho nàng. A Tử cho đóng một mặt nạ sắt lên mặt Du Thản Chi, rồi gọi hắn là Thiết Sửu (Hề Sắt).

Hắn cũng bị A Tử cho rắn, rết, sâu độc cắn để thử độc tính cho nàng luyện độc công. May mắn là hắn có Dịch Cân Kinh hộ thể nên không những hóa giải mà còn hấp thu độc tính tăng nội lực cho cơ thể. Tình cờ hắn bắt con sâu cực độc Băng Tằm cho A Tử, A Tử bắt hắn cho sâu cắn, hắn biết chắc sẽ chết nhưng cũng đồng ý làm theo. Hàn khí cực mạnh của Băng Tằm khiến Du Thản Chi đông thành băng, A Tử cho là hắn đã chết nên cho người vất xác xuống sông. Tuy nhiên, Du Thản Chi nhờ có Dịch Cân Kinh nên lại lần nữa may mắn thoát chết và hấp thu được Băng Tằm Hàn Kình vào thân thể. Sau này hắn về lại Trung Nguyên, rồi lên chùa Thiếu Lâm để thách thức với tất cả các môn phái khác tranh chức vô địch võ lâm. Lúc này chỉ xét về nội lực thì hắn rất thâm hậu, có thể sánh với các đại cao thủ, vì có Dịch Cân Kinh và vô tình luyện được thần công khi ở bên A Tử.

Tại đại hội võ lâm này thì Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác lộ mặt. Tiêu Viễn Sơn kể rằng ông ta thoát chết khi nhảy xuống vực tự vẫn, thừa nhận rằng ba mươi năm qua ông ẩn náu trong chùa Thiếu Lâm để học hết võ công Trung Nguyên. Ông ta cũng là người giả dạng Tiêu Phong sát hại nhiều cao thủ trong giang hồ, và là người đã bắt cóc Hư Trúc lúc còn là một đứa bé và bỏ vào chùa Thiếu Lâm để các nhà sư nuôi dạy.

Hư Trúc lúc này cũng biết được thân thế thật sự của mình, anh ta chính là con ruột của Phương trượng đại sư Huyền Từ là Đại Ca Lãnh đạo nhóm cao thủ Trung Nguyên sát hại gia đình của Tiêu Viễn Sơn năm xưa, chính vì vậy Huyền Từ phải chịu hình phạt phạm dâm giới bị đánh hai trăm gậy mà chết.

Mộ Dung Bác cũng thừa nhận là chỉ giả vờ chết để lẻn vào chùa Thiếu Lâm và là người tung tin đồn nhảm ba mươi năm về trước cho Huyền Từ để lãnh đạo cao thủ võ lâm Trung Nguyên ám hại Tiêu Viễn Sơn, và ông ta lợi dụng việc đó để khôi phục nước Yên.

Lúc này nhà sư quét rác trong Tàng kinh các xuất hiện (vị sư này là Chân nhân bất lộ tướng - người có võ công cao nhất trong Thiên long bát bộ, ông có thể tiêu diệt các cao thủ hàng đầu như Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn chỉ trong 1 chiêu), không ai biết tên ông, nên người đời gọi là Vô Danh Thần Tăng. Ông đã theo dõi Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn từ lúc 2 người vào xem trộm kinh thư trong Tàng Kinh Các mà 2 người không ai hay biết. Vô Danh Thần Tăng dùng Phật pháp, kiến thức uyên thâm giảng giải cho Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn nhận ra cái sai khi luyện võ, 2 người đã luyện quá nhanh nên bị tổn thương ngũ tạng, tẩu hỏa nhập ma. Để chữa bệnh, ông đã đánh chết cả hai người để rồi cứu sống họ; do vậy mà đã cảm hóa được cả hai ông già quy y Phật giáo. Hai ông già quyết định xuất gia theo tu tại chùa Thiếu Lâm.

Về sau, khi vua Liêu ra lệnh xâm lược nước Tống, Tiêu Phong chống lệnh vì không muốn binh đao giết hại dân lành vô tội của hai nước, vì vậy chàng bị nhốt vào ngục.

Được Đoàn Dự, Hư Trúc, và nhiều cao thủ võ lâm khác giúp vượt ngục, Tiêu Phong thoát ra Nhạn Môn Quan, nơi vua nước Liêu đang bài binh bố trận chuẩn bị tấn công nước Tống. Tiêu Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc dùng võ công xuất thế bắt sống vua Liêu. Tiêu Phong thuyết phục vua Liêu lui binh rồi rút đao tự vẫn và nhảy xuống vực để giữ trọn đạo trung quân.

A Tử vì yêu Tiêu Phong tha thiết cũng lao mình xuống vực tự vẫn (sau này Kim Dung chỉnh sửa lại là Tiêu Phong dùng mũi tên mà vua Liêu đã bẻ gãy đâm vào tim mình mà chết, còn A Tử thì sau khi móc mắt mình trả cho Du Thản Chi thì ôm xác Tiêu Phong nhảy xuống vực tự vẫn). Du Thản Chi lúc biết A Tử đã nhảy xuống vực, nhận ra rằng từ trước đến nay hy sinh vì tình yêu với A Tử là vô nghĩa, nên lao đầu vào vách núi chết.

Hư Trúc

Hư Trúc là một hòa thượng chùa Thiếu Lâm. Ngoại hình xấu trai nhưng tâm tính hiền lành, tốt bụng. Hư Trúc đã vô tình giải được một bàn cờ vây tên gọi "Trân Lung kỳ trận", 30 năm nay chưa ai giải được, vì thế nên đã được Vô Nhai Tử, chưởng môn của phái Tiêu Dao truyền 70 năm công lực cả đời của ông.

Vô Nhai Tử muốn Hư Trúc dùng nội công của ông truyền cho đi giết Đinh Xuân Thu, nhưng Hư Trúc từ chối vì nghĩ mình là một hòa thượng, không thể giết người bừa bãi. Sau đó, ông truyền chức chưởng môn nhân và giao thiết chỉ hoàn cho Hư Trúc, nhưng Hư Trúc không dám nhận và cũng không muốn đầu nhập phái khác.

Vì thấy ông sau khi truyền cho mình 70 năm công lực cả đời, có vẻ như ông sắp chết, Hư Trúc muốn ông ra đi trong thanh thản nên đã đồng ý làm chưởng môn nhân phái Tiêu Dao cũng như đồng ý đi giết Đinh Xuân Thu. Sau khi Hư Trúc đồng ý, Vô Nhai Tử quy tiên.

Bọn người trước kia bị hành hạ bởi Linh Thứu Cung bắt được một cô gái trẻ từ Linh Thứu Cung. Họ muốn lấy thông tin từ cô gái trẻ để họ có thể tự giải Sinh Tử Phù do Thiên Sơn Đồng Mỗ chủ Linh Thứu Cung cấy. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để lấy thông tin từ cô gái. Lúc đó, Hư Trúc đi ngang nên đã cứu cô gái khỏi bọn người đó.

Sau đó cô gái trẻ mới lộ chân tướng, bà là Thiên Sơn Đồng Mỗ, chủ Linh Thứu Cung. Mấy mươi năm trước, trong lúc đang luyện công bị Lý Thu Thủy, sư muội của mình phá đám, nên từ đó, Thiên Sơn Đồng Mỗ có ngoại hình giống một cô bé con 12 tuổi. Hiện giờ Thiên Sơn Đồng Mỗ không còn nội công mấy và lúc đó bà đang bị Lý Thu Thủy truy sát.

Bà cần phải uống máu mỗi giữa trưa và luyện công đủ 90 ngày mới khôi phục lại công lực vì môn nội công này cứ mỗi 30 năm, phải tịnh tu một lần, thời gian một lần tùy theo số tuổi, lúc đó, Thiên Sơn Đồng Mỗ 96 tuổi thì phải luyện 90 ngày (Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt đầu luyện môn này lúc 6 tuổi).

Thiên Sơn Đồng Mỗ sợ lúc Lý Thu Thủy đến thì mình sẽ vô lực, không thể kháng cự nên đã kêu Hư Trúc giúp đỡ. Hư Trúc không muốn Thiên Sơn Đồng Mỗ chết nên bằng lòng giúp bà, mặc dù bà làm rất nhiều chuyện Hư Trúc không đồng ý.

Để tránh sự truy sát của Lý Thu Thủy, Thiên Sơn Đồng Mỗ và Hư Trúc đã đến ẩn nấp trong một hầm băng của hoàng cung Tây Hạ, nơi Lý Thu Thủy đang làm hoàng thái phi. Lúc này, xảy ra một cuộc tranh cãi giữa Thiên Sơn Đồng Mỗ Lão và Hư Trúc.

Thiên Sơn Đồng Mỗ khăng khăng bắt Hư Trúc phải ăn thịt cá còn không thì nhịn đói. Cũng như bà muốn truyền thụ võ công của bà cho Hư Trúc để Hư Trúc có thể giúp bà đánh trọng thương Lý Thu Thủy một khi Lý Thu Thủy tìm đến, Hư Trúc vì không muốn phải đầu nhập Linh Thứu cung nên đã không chịu học. Hư Trúc thà nhịn đói cũng như không chịu học võ công tuyệt thế chứ không muốn phá vỡ thanh quy giới luật chùa Thiếu Lâm. Điều này làm Thiên Sơn Đồng Mỗ tức lắm.

Bà quyết ý phải làm cho Hư Trúc tự nguyện phá giới nên đã đem một cô gái (khỏa thân) mà mình bắt cóc về thảy vào giường của Hư Trúc. Vì đó là trong hầm băng nên Hư Trúc phải giữ ấm cho cô gái kia (và cho mình) và đã phạm dâm giới. Hư Trúc sau đó thấy mình không còn giới gì để giữ nữa cho nên đã ăn thịt, ăn cá và làm theo những gì Thiên Sơn Đồng Mỗ sai bảo.

Sau khi nghe lời Thiên Sơn Đồng Mỗ bà ta truyền dạy võ công và không ngờ tại đây đã tạo nên mối tình giữa chàng và Ngân Xuyên công chúa Tây Hạ - nhưng Hư Trúc hoàn toàn không biết đó là công chúa Tây Hạ. Nhưng Thiên Sơn Đồng Mỗ cũng không thoát khỏi cái chết và chết chung với sư muội Lý Thu Thủy. Trước khi Đồng lão chết đã truyền ngôi chủ nhân của Linh Thứu cung cho Hư Trúc.

Trở lại Linh Thứu Cung, y lại ra tay hoá giải hiềm khích giữa đảo chủ, động chủ 72 đảo và thuộc hạ Linh Thứu cung đồng thời giải trừ Sinh Tử Phù cho mọi người, trở thành lãnh tụ của quần hào, cũng tại đây, y có duyên kết nghĩa huynh đệ với Đoàn Dự - Thế tử Đại Lý cùng Tiêu Phong.

Sau này quay lại Thiếu Lâm, dùng võ công bảo vệ chùa trước Cưu Ma Trí, cùng Tiêu Phong, Đoàn Dự chung tay kháng địch, đại hiển thần oai, đánh bại Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu, thanh lý môn hộ. Hư Trúc nhận mặt cha mẹ trong tình huống bất ngờ và vô cùng thê thảm. Nhận cha mẹ chưa được bao lâu thì gặp bất trắc, cha Hư Trúc là Huyền Từ - phương trượng chùa Thiếu Lâm, mẹ là người thứ hai trong Tứ Đại Ác Nhân - Vô Ác Bất Tác Diệp Nhị Nương.

Huyền Từ phương trượng tư tình với Diệp Nhị Nương nên tự nhận phạt 200 trượng, sau đó tự chấn đứt kinh mạch mà chết (đây là một hành động anh hùng, vì nếu đã có ý tự vẫn thì không cần đợi chịu xong 200 trượng), còn Diệp Nhị Nương thấy Huyền Từ phương trượng chết cũng tự tử theo. Đáng thương thay, Hư Trúc trong một ngày gặp lại được cha mẹ, lại trong ngày đó mất cả cha lẫn mẹ. Hư Trúc sau đó bị trục xuất khỏi Thiếu Lâm (vì phạm quá nhiều giới), y cùng Đoàn Dự, Tiêu Phong sang Tây Hạ cầu hôn công chúa, không ngờ cơ duyên xảo diệu, lại gặp người tình trong mộng của mình, kết đôi vui vầy.

Xét về võ công có thể nói Hư Trúc là một trong những nhân vật có võ công cao nhất trong Thiên Long Bát Bộ. Về nội lực thì trong người chàng có nội công thâm hậu của ba cao thủ là Vô Nhai Tử, Thiên Sơn Đồng Mỗ và Lý Thu Thủy, nội công của họ đều có nguồn gốc từ Tiêu Dao phái. Đặc biệt chàng còn biết Sinh Tử Phù, một loại ám khí độc không dấu vết cực kỳ lợi hại.

Đoàn Dự

Đoàn Dự là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, hoàng tử của nước Đại Lý. Tuy là con nhà võ nhưng không thích luyện tập võ nghệ mà chỉ thích ngao du sơn thủy. Tình cờ trong quá trình can thiệp để giải cứu Chung Linh cô nương, Đoàn Dự lọt vào một hang đá, thấy một bức tượng ngọc bích rất đẹp (mà anh gọi là Thần tiên tỷ tỷ).

Sau khi vái lạy bức tượng 1000 cái, anh lấy được bí kíp về Bắc Minh thần công (món võ hút lấy nội công kẻ khác, nhưng không tiêu huỷ nội lực đối thủ như Hóa công đại pháp do Đinh Xuân Thu luyện sai Bắc Minh thần công) và Lăng ba vi bộ (món võ có thể uyển chuyển chạy nhanh và tránh né các đòn công kích), và Đoàn Dự cũng miễn nhiễm độc tố sau khi vô tình nuốt phải một con cóc cực độc có tên là Mãng cổ chu cáp.

Đồng thời Đoàn Dự cũng làm quen được Mộc Uyển Thanh, một cô gái xinh đẹp, võ công cao cường, nhưng tính tình đanh đá và lúc nào cũng che kín mặt. Mộc cô nương đem lòng yêu mến chàng công tử họ Đoàn, và trong lúc đánh thua Nam Hải Ngạc Thần (một trong tứ đại ác nhân), đã nguyện kết nghĩa vợ chồng với Đoàn Dự và cho Đoàn Dự xem mặt nàng.

Khi đó, các thuộc hạ của Đoàn Chính Thuần xuất hiện giải vây và đưa Đoàn Dự cùng Mộc cô nương về Đại Lý. Trên đường về, họ ghé thăm Đao Bạch Phượng, là mẹ ruột của Đoàn Dự, đang ở ẩn trong một ngôi chùa. Khi Đao Bạch Phượng thấy cách phóng phi tiêu của Mộc cô nương, bà nghi ngờ Mộc cô nương có liên hệ với Tần Hồng Miên, vốn là tình địch ngày xưa của bà.

Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh về Đại Lý, mọi người phát hiện ra Mộc Uyển Thanh là con gái của Đoàn Chính Thuần và Tần Hồng Miên, Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh là anh em cùng cha khác mẹ nên không thể lấy nhau được. Quá chán chường và đau khổ, Mộc Uyển Thanh định tự vẫn, sau đó bị Đoàn Diên Khánh bắt giam vào thạch thất trong Vạn Kiếp Cốc, cả Đoàn Dự cũng bị Nam Hải Ngạc Thần nhốt chung vào đây.

Hai người bị lừa uống phải Âm dương hòa hợp tán, một loại xuân dược cực mạnh có khả năng kích động tình dục, nhưng Đoàn Dự nghị lực hơn người nên cả hai đã thoát khỏi hiểm cảnh. Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần cùng các thuộc hạ đến Vạn Kiếp Cốc giải cứu được hai người. Đoàn Dự phát hiện ra Chung Linh, con gái Chung Vạn Cừu ở Vạn Kiếp Cốc cũng là em ruột của mình.

Sau đó tại chùa Thiên Long, Đoàn Dự may mắn luyện thành công Lục mạch thần kiếm (là môn chỉ pháp được xem là một trong hai môn võ công đệ nhất thiên hạ cùng với Dịch Cân Kinh của Thiếu Lâm - theo lời nhân vật Mộ Dung Bác), nhưng chàng lại bị Hòa thượng Cưu Ma Trí nước Thổ Phồn bắt tới Cô Tô vì Đoàn Dự biết Lục mạch thần kiếm và hắn muốn hỏa thiêu chàng để cúng Mộ Dung Bác, bằng hữu lâu năm của hắn.

Chính ở đất Cô Tô này Đoàn Dự đã gặp Vương Ngữ Yên và yêu nàng. Nhưng thật trớ trêu, Vương Ngữ Yên chỉ yêu mỗi Mộ Dung Phục. Sau này Mộ Dung Phục vì muốn khôi phục Hậu Yên nên đã bỏ nàng, vì vậy Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên đã đến bên nhau, mối tình si rốt cục cũng được đền đáp.

Tuy nhiên, éo le ập đến khi chàng biết Ngữ Yên là con của Đoàn Chính Thuần với Vương phu nhân, tức nàng là em ruột mình. Về sau trong lúc sắp chết, mẹ của Đoàn Dự mới tiết lộ rằng thật ra chàng là con ruột của Đoàn Diên Khánh chứ không phải Đoàn Chính Thuần. Theo phong tục Đại Lý, chỉ cần không phải anh em ruột thì được lấy nhau.

Cuối cùng, Đoàn Dự trở thành vua Đại Lý. Theo nguyên tác ban đầu, Vương Ngữ Yên trở thành hoàng hậu. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi mới đây của Kim Dung vào năm 2009, thì Mộc Uyển Thanh mới là người trở thành hoàng hậu. Hai người sống cuộc sống ung dung tự tại. Một trong những cháu nội hai người là Đoàn Trí Hưng, là nhân vật xuất chúng, một trong "Thiên hạ ngũ tuyệt" hiệu là Nam đế, trong Xạ điêu tam bộ khúc. Với Vương Ngữ Yên, Đoàn Dự nhận ra anh không yêu cô mà chỉ là đem tình yêu với bức tượng ngọc bích gán cho cô, và đã để cô ra đi. Vương Ngữ Yên lúc này, do bị Đoàn Dự vô tình hút cạn sinh lực nên già đi khá nhanh. Cô muốn học thuật Trụ nhan của phái Tiêu Dao nhưng nó đã thất truyền, cuối cùng cô trở về Cô Tô, cùng A Bích chăm sóc Mộ Dung Phục lúc này đã trở nên điên dại.

Sau này, bất chấp đang ở địa vị ngôi vua cao quý, Đoàn Dự còn mạo hiểm đi giải cứu Tiêu Phong, nghĩa huynh của chàng.

Đến cuối truyện, Đoàn Dự là người có nội công rất cao cường, vì lúc này nội lực của chàng vốn đã cao hơn Cưu Ma Trí, một trong những đại cao thủ trong truyện rồi, mà còn hút được nội lực cả đời của ông ta nữa.

Lưu ý: Đoàn Dự cùng Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Minh là các nhân vật có thật trong lịch sử và là các bậc vua chúa của nước Đại Lý. Tất nhiên các tình tiết trong truyện Kim Dung về những người này đều là hư cấu.

Hết phần cho biết trước nội dung của tác phẩm.